Với sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của làn sóng văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là Kpop trong vài năm trở lại đây, các fan âm nhạc đã dần trở nên quen thuộc với khái niệm “đạo nhái”. Hàng loạt nghi án đạo nhái, không chỉ trong âm nhạc mà còn trong cả vũ đạo lẫn video, ăn cắp ý tưởng từ các sản phẩm US&UK đã xuất hiện liên tục khiến nhiều Kpop fan bắt đầu có cái nhìn tiêu cực về nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Hãy cùng mổ xẻ những nghi án đạo nhạc trong thời gian gần đây:
Những năm gần đây, bệnh dịch đạo nhái hoành hành trong Kpop
1. Đạo nhái là như thế nào?
Đạo nhái là tự ý sử dụng công sức, thành quả, sản phẩm của người khác không xin phép và tự nhận là của mình.
2. Ai là người phải chịu trách nhiệm?
Các nghệ sĩ Kpop là người sử dụng, biểu diễn các ca khúc, vũ đạo bị ăn cắp, tuy nhiên họ không phải người chịu trách nhiệm vì không trực tiếp thực hiện hành vi đạo nhái. Người phải chịu trách nhiệm ở đây là những người đã “sáng tạo” ra các ca khúc/vũ đạo đó – những người ăn cắp ý tưởng của người khác và nhận là của mình. Những người này có thể là nhà sản xuất, tác giả, biên đạo nhảy.
Nghệ sĩ Kpop không phải người chịu trách nhiệm trong scandal đạo nhái
Những người phải chịu trách nhiệm thứ hai đó chính là công ty, đội ngũ quản lý của nghệ sĩ đó. Những người này lo từ A đến Z cho sự ra mắt/trở lại của nghệ sĩ mà mình quản lý nhưng lại không làm một việc đơn giản đó là tìm kiếm trước trên Internet về các sản phẩm sắp sử dụng để tránh các scandal đạo nhái vốn đã xảy ra như cơm bữa trong K-biz. Kpop fan ở khắp mọi nơi, họ không chỉ nghe Kpop, họ còn nghe US&UK và đủ các thể loại âm nhạc khác, mọi hành vi ăn cắp đều có thể bị phát hiện.
Những nhà sản xuất/tác giả/biên đạo nhảy trực tiếp thực hiện hành vi ăn cắp cùng công ty quản lý làm ăn tắc trách là những người phải chịu trách nhiệm
Lấy ví dụ về nghi án đạo nhạc mà Lee Hyori đang vướng phải. Phân nửa album mới H-Logic của cô bị buộc tội đạo nhạc và cả 6 ca khúc này đều do Bahnus cung cấp. Mnet lên tiếng rằng công ty biết rõ guide version của các ca khúc này đã bị rò rỉ trên Youtube trước khi album của Hyori phát hành và những nghệ sĩ US&UK kia đã tự ý sử dụng các bản demo đó một cách trái phép, chỉ cóHyori là nắm bản quyền thực sự.
Hyori không phải người có lỗi, chính sự làm ăn tắc trách của Bahnus cùng Mnet đã gây nên vụ việc ầm ĩ này
Hyori không có lỗi trong vụ việc này, điều khiến nhiều cư dân mạng tức giận đó là sự làm ăn tắc trách của Mnet. Kpop fan luôn muốn được thưởng thức những sản phẩm âm nhạc xuất sắc nhưng phải mới lạ, do đó khi phát hiện mình vừa bỏ tiền ra để mua một album mà đến nửa số ca khúc trong đó đã xuất hiện bản demo trên Youtube, nhiều người cảm thấy như mình vừa bị lừa.
3. Ai là nạn nhân cuối cùng?
Khi một scandal đạo nhái nổ ra, ai là người “được” nhắc đến tên đầu tiên? Chính là nghệ sĩ, người đã thể hiện ca khúc/vũ đạo đó. Người ta sẽ nói là “Ca sĩ A ca sĩ B đạo…” chứ ngoài fan của chính nghệ sĩ đó ra, mấy ai tìm hiểu xem tác giả của ca khúc/vũ đạo đó là ai để mà nói “Tác giả A đạo…”, “Biên đạo nhảy B đạo…”. Nghệ sĩ là người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả.
Nhưng các nghệ sĩ Kpop lại “được” nhắc tên đầu tiên trong các vụ đạo nhái, phải hứng chịu tổn thất danh tiếng và nhiều hậu quả khác
Quay lại vụ việc vừa xảy ra cuối tuần trước khi biên đạo nhảy người Đức Camillo Lauricella phát hiện ra After School sử dụng những bước nhảy do anh sáng tạo ra mà không hề xin phép (trong single Bang!). Trong thông điệp tức giận trên Youtube, Camillo đã nói rằng: “Một girlgroup Hàn Quốc tên là After School đã ăn cắp một vài bước nhảy của chúng tôi cho MV của họ Bang.”Camillo không biết ai là biên đạo nhảy của After School, những gì anh này và cũng như đa số những người bị-ăn-cắp thấy đó là “nghệ sĩ này đã sử dụng sản phẩm của tôi, họ là kẻ ăn cắp”. Danh tiếng của các nghệ sĩ Kpop sau những scandal đạo nhái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cứ nhắc đến tên người ta sẽ nhớ “nghệ sĩ A từng đạo nhạc/ăn cắp vũ đạo”.
Những kẻ cắp thật sự thường không lộ diện hoặc có xuất hiện thì Kpop fan cũng nhanh chóng quên tên
Những kẻ cắp thật sự, các tác giả ca khúc, biên đạo nhảy đôi khi cứ ở mãi trong bóng tối, chẳng bao giờ xuất đầu lộ diện, hay có bị nêu tên thì một thời gian ngắn là Kpop fan quên béng, không như những nghệ sĩ Kpop.
Những người bị ăn cắp tất nhiên cũng là nạn nhân. Họ thường là những nghệ sĩ, dancer US&UK không nổi tiếng thế giới
Nhưng còn một nạn nhân nữa, đó chính là những người bị ăn cắp. Thông thường, các vụ đạo nhái trong Kpop đều xảy ra với người bị ăn cắp là những nghệ sĩ, dancer, v.v… không nổi tiếng thế giới, như vậy mới dễ trót lọt. Những nạn nhân này thường không có tiếng nói, không có tiền hay quyền để tham gia một vụ kiện cáo chống lại một công ty quản lý “đô con” của Hàn Quốc. Đây là trường hợp đối với Camillo Lauricella và Pat Cruz, hai biên đạo nhảy đã sáng tạo ra những động tác vũ đạo đẹp mắt để rồi sau đó chúng tự động được “sang tên” cho các biên đạo nhảy của Pledis Entertainment và SM Entertainment.
Trớ trêu khi chính những người bị ăn cắp lại bị các fan cuồng của nghệ sĩ Kpop vu cho là lợi dung tên tuổi của sao Hàn để nổi tiếng, kiếm chác
Điều đáng nói đó là những nạn nhân này sau khi bị ăn cắp lại còn bị nhiều fan cuồng của nghệ sĩ Kpop trong vụ đạo nhái đó vu cho là “lợi dụng tên tuổi nghệ sĩ lớn của Kpop để nổi”, “thấy nghệ sĩ Kpop có tiếng nên muốn kiện để lấy tiền”, v.v… Thực tế là những vụ đạo nhái trong Kpop mà các chủ nhân thực sự từ US&UK phải lên tiếng từ trước đến nay, chưa có vụ nào là lợi dụng tên tuổi hay ví tiền của nghệ sĩ Kpop để kiếm chác. Đơn giản là vì họ cần nổi tiếng trên thế giới chứ không “ham hố” gì Hàn Quốc, nếu muốn nổi danh ở xứ Kim chi thì các nghệ sĩ US&UK đã tấn công ồ ạt thị trường này từ lâu rồi.
Nhiều Kpop fan bảo vệ thần tượng là “bao” luôn cả công ty quản lý và tác giả/biên đạo nhảy có sản phẩm bị nghi ngờ ăn cắp, chĩa mũi tên thù địch về phía những người bị-ăn-cắp
Các fan của nghệ sĩ Kpop bị vướng vào scandal khi bảo vệ thần tượng của mình thường “bao bọc” luôn cho phe mình gồm: nghệ sĩ, công ty quản lý, tác giả/biên đạo nhảy có sản phẩm bị nghi ngờ là đạo. Bên cạnh chĩa mũi tên thù địch về phía nạn nhân thực sự - những người bị ăn cắp, những fan cuồng này còn cố gắng phủ nhận những sự giống nhau giữa hai sản phẩm. Sản phẩm một khi đã là hàng ăn cắp thì sự giống nhau là không thể chối cãi, đông đảo Kpop fan đã nói CÓ thì cả fanclub của nghệ sĩ đó nói KHÔNG đi nữa cũng chẳng thay đổi được gì. Đây là trường hợp của After School với vũ đạo trong single Bang!. Đa số Kpop fan đều đã công nhận sự giống nhau, không chỉ về động tác mà còn cả thứ tự bước nhảy, nhiều fan của After School cố gắng nói rằng đây chỉ là sự tình cờ cũng không hề xoay chuyển được gì.
Có không ít fan hùng hồn tuyên bố những nạn nhân bị mất cắp nên “biết ơn” nghệ sĩ Kpop vì đã “lăng xê” miễn phí sản phẩm cho họ
Một số fan thậm chí còn có thái độ rằng các nạn nhân này nên “biết ơn” vì nghệ sĩ Kpop đã “lăng xê” cho sản phẩm của họ (!?).
Kết luận
Sự tắc trách của công ty, đội ngũ quản lý cùng với tâm lý bảo vệ thần tượng không biết đúng sai của Kpop fan đã tạo điều kiện cho bệnh dịch đạo nhái hoành hành Kpop
Scandal đạo nhái đang trở thành một vấn nạn trong Kpop khi có quá nhiều “tác giả”, “biên đạo nhảy” sử dụng trái phép, vô tội vạ các sản phẩm từ US&UK với suy nghĩ rằng sẽ không bị ai phát hiện. Sự tắc trách của các công ty, đội ngũ quản lý nghệ sĩ cộng thêm với tâm lý bảo vệ thần tượng không cần biết đúng sai của nhiều Kpop fan đã tạo điều kiện cho bênh dịch đạo nhái hoành hành. Sau cùng thì ai là người phải hứng chịu hậu quả? Những nạn nhân bị ăn cắp và những nghệ sĩ Kpop.